Cầu trục 3 tấn dầm đơn là thiết bị nâng hạ có được sử dụng rất rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác nhau bởi chi phí đầu tư không lớn, tải trọng nâng ở mức trung bình thấp rất phù hợp với nhu cầu của đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau khi cầu trục 3 tấn dầm đơn được hoàn thành chế tạo và kiểm tra chất lượng bởi công ty thiết bị nâng hạ Hà Nội (HAN) sẽ được vận chuyển đến công trình lắp dựng. Quy trình lắp đặt cầu trục 3 tấn tiếp theo thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Quy trình lắp đặt cầu trục 3 tấn dầm đơn 10 bước chi tiết
Bước 1: Bắt và cố định ray lên dầm chạy dọc nhà xưởng
- Đặt các thanh ray lên bề mặt dầm chạy dọc của cầu trục, đảm bảo khoảng cách tâm ray 2 bên dầm đúng tiêu chuẩn cho phép.
- Dùng chi tiết nối ray để nối các thanh ray với nhau. Cố định ray vào bề mặt dầm bằng bu lông neo hoặc kẹp ray.
- Hàn cố định các tấm chặn hành trình ở các đầu và cuối đường chạy dọc (tổng cộng có 4 tấm chặn hành trình)
- Hàn thanh gạt hành trình di chuyển ở 2 đầu của dầm đường chạy dọc. Căn chỉnh cho phù hợp với chiều cao của giới hạn hành trình gắn trên cẩu.

Bước 2: Lắp đặt hệ thống điện dọc
- Hàn cố định thanh đỡ ray điện dọc vào dầm chạy dọc nhà xưởng (1.2m đến 1.5m một nhịp).
- Lắp đặt phụ kiện căng ray điện vào thanh đỡ đầu tiên của đường chạy (chưa cần siết chặt bu lông ở giai đoạn này)
- Treo và cố định các kẹp ray điện vào tay đỡ bằng bu lông.
- Nối ray điện 3 pha x 60A vào căng ray đã được lắp vào thanh đỡ trước đó và treo lên các kẹp ray.
- Lắp chi tiết căng ray vào đầu còn lại của ray điện 3 pha. Lắp cụm căng ray này vào thanh đỡ cuối cùng trên đường chạy dọc
- Kéo căng đảm bảo ray điện 3 pha được thẳng và phẳng, không bị võng. Sau đó siết chặt bu lông của cả 2 cụm căng ray ở 2 đầu.
- Lắp tay lấy điện 3P x 60A vào thanh đỡ đã được bắt cố định vào dầm cầu trục. Đấu nối điện cho tay lấy điện vào tủ điều khiển xe cầu
- Đấu nối, cấp điện nguồn cho hệ điện dọc từ phía đầu căng ray.

Bước 3: Tổ hợp, lắp đặt cầu trục 3 tấn dầm đơn dưới sàn
- Chuẩn bị 2 giá đỡ có độ cao cách mặt sàn ít nhất 1 mét.
- Dùng cẩu chuyên dụng hoặc cầu trục khác nâng dầm đơn của cầu trục 3 tấn đặt lên 2 giá đỡ. Hai giá đỡ kê ở hai đầu của dầm.
- Cẩu hoặc dùng xe nâng đưa dầm biên lại gần dầm chính và kết nối với dầm chính bằng bu lông. Sau khi 2 dầm được cố định với nhau thì mới tháo dây treo hoặc hạ xe nâng.
- Lắp động cơ di chuyển dọc vào dầm biên và cố định bằng bu lông.

Bước 4: Lắp hệ thống điện ngang
- Lắp các kẹp ray C vào các thanh đỡ điện ngang đã được hàn cố định vào dầm chính từ trước đó.
- Lắp các máng ray C vào kẹp ray và cố định lại bởi các bu lông.
- Liên kết các thanh ray bằng phụ kiện nối ray
- Luồn con lăn dẫn hướng, con lăn treo cáp vào máng ray C
- Luồn cáp điện dẹt cấp nguồn cho pa lăng và cáp dẹt điều khiển cầu trục vào con lăn treo cáp và con lăn dẫn hướng
- Hàn cố định thanh chữ L kéo cáp dẹt vào khung pa lăng
- Đi các dây điện dẹt qua thanh chữ L và đấu nối vào tủ điều khiển

Bước 5: Lắp pa lăng lên dầm chính
- Tra dầu cho động cơ của pa lăng nâng hạ. Lượng dầu cần tra theo quy định của nhà sản xuất pa lăng hoặc theo tải trọng của pa lăng.
- Dùng cẩu chuyên dụng nâng pa lăng lên sát tấm dưới của dầm chính và giữ nguyên dây treo để kỹ thuật viên điều chỉnh khoảng cách bánh xe cho ăn khớp với tấm dưới của dầm.

Bước 6: Lắp đặt tủ điện điều khiển cầu trục và các thiết bị điện khác
- Bắt cố định tủ điện điều khiển cầu trục lên một bên dầm biên và đấu nối hệ điện.
- Đi dây cáp điện cấp nguồn từ tủ điều khiển qua dầm chính tới động cơ di chuyển ở 2 bên dầm biên. Đấu nối dây điện vào hộp cấp điện ở bên sườn động cơ.
- Đấu điện cho công tắc giới hạn hành trình dọc và bắt cố định công tắc hành trình vào 2 đầu của bên dầm biên có gá tủ điện.
- Lắp đèn xoay tín hiệu và đấu điện cho đèn
- Đấu nối bộ thu của điều khiển từ xa vào tủ điện điều khiển pa lăng

Bước 7: Chạy thử cầu trục 3 tấn dầm đơn dưới sàn
- Chạy thử động cơ xe cầu tiến và lùi
- Chạy thử động cơ xe con sang phải, sang trái
- Chạy thử động cơ tời nâng và hạ
- Gạt công tắc hành trình kiểm tra khả năng cắt mạch điện
- Nhấn emergency stop kiểm tra khả năng cắt mạch điện

Bước 8: Lắp đặt cầu trục 3 tấn dầm đơn lên trên ray
- Dùng cẩu chuyên dụng nhấc cả hệ thống cầu trục 3 tấn đã tổ hợp đặt lên dầm chạy dọc của nhà xưởng.
- Căn chỉnh cho bánh xe ăn khớp hoàn toàn với các đường ray 2 bên dầm.

Bước 9: Hoàn thành lắp dựng và kiểm tra lại toàn bộ các công tác an toàn.
- Kiểm tra lại tổng quan toàn bộ cầu trục sau khi lắp đặt bao gồm đấu nối các thiết bị cảnh báo an toàn, tình trạng các bu lông.
- Sau khi lắp đặt cầu trục 3 tấn dầm đơn xong, cần tiến hành vệ sinh, dọn dẹp toàn bộ khu vực thao tác và các vùng xung quanh.

Bước 10: Tiến hành chạy thử không tải, có tải và kiểm định theo quy trình
- Tiến hành chạy thử tiến lùi, sang trái, sang phải và nâng hạ móc không tải
- Kiểm tra tính năng các nút dừng khẩn cấp, công tắc giới hạn hành trình nâng hạ, khả năng đóng nhả phanh
- Chạy thử có tải ở mức 110%, 125%
Kết luận
Việc lắp dựng cầu trục nói chung và lắp đặt cầu trục 3 tấn dầm đơn nói riêng là rất quan trọng vì nó liên quan đến an toàn cho thiết bị và người tham gia lắp dựng. Việc lắp dựng thiết bị đúng quy trình sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư.
Công ty thiết bị nâng hạ Hà Nội không chỉ thiết kế, chế tạo và lắp đặt cầu trục 3 tấn dầm đơn mà còn là đơn vị lớn chuyên cung cấp tất cả sản phẩm nâng hạ có tải trọng nâng từ 500kg tới hàng trăm tấn.
>>> Xem thêm các bài tin tức có liên quan: Lắp đặt cầu trục 30 tấn khẩu độ 19.7m tại KCN Sông Công II, Thái Nguyên