Ray cầu trục là gì?
Đường ray cầu trục, cổng trục là bộ phận quan trọng trong hệ thống thiết bị nâng hạ, bố trí dọc theo đường chạy của cầu trục hoặc pa lăng. Ray cầu trục giúp cho bánh xe di chuyển an toàn và đúng lộ trình đã định.
Áp lực bánh xe truyền xuống dầm đỡ qua ray cầu trục nên việc lựa chọn loại ray cầu trục và lắp đặt ray cầu trục phải chuẩn và đảm bảo yêu cầu. Khi đó cầu trục có thể di chuyển cân bằng, êm ái và trơn mượt.
Ray di chuyển dọc của cầu trục, cổng trục được cố định trên dầm đỡ ray hoặc tổ hợp trực tiếp xuống móng sàn. Ray di chuyển ngang được cố định trên dầm cầu trục.
Phân loại ray cầu trục
Có rất nhiều lựa chọn đường ray cần trục nhưng phổ biến nhất là 3 chủng loại ray:
- Ray P hay còn gọi là ray hạng nhẹ được chế tạo từ vật liệu Q235 hoặc 55Q. Thiết bị nâng hạ có trọng tải nhỏ hoặc trọng tải trung bình thì nên sử dụng đường ray loại P
- Ray QU còn gọi là ray hạng nặng thường được chế tạo từ nguyên vật liệu U71Mn hoặc 50Mn. Ray QU chịu được lực va đập, ma sát và sức ép lớn nên thường sử dụng cho các thiết bị nâng hạ trọng tải lớn như cầu trục, cần trục và cẩu tháp.
- Ray vuông cũng là một loại ray hạng nặng. Tuy nhiên loại ray vuông dùng cho bánh xe đường kính nhỏ nên hiện nay ít được lựa chọn.
Chiều dài của ray tiêu chuẩn thường là 6m, 8m, 9m,9.5m, 10m, 10.5m, 11m, 11.5m, 12m và 12.5m. Chiều rộng tiêu chuẩn của ray thường là 70mm, 80mm,100mm và 120mm
Phụ kiện của ray bao gồm: bu lông, đai ốc, vòng đệm lò xo, kẹp ray, neo ray … Các thanh ray được kết nối với nhau bằng lập lách và bặt chặt bằng bu lông.
Những rủi ro phát sinh khi lắp đặt ray không đúng quy trình
Việc lắp đặt ray không đảm bảo, không đúng quy trình có thể gây ra các sự cố nghiêm trọng gây mất an toàn cho cầu trục và người vận hành:
- Đường ray bị cong, lồi lõm, uốn lượn,
- 2 bên đường ray bị chéo nhau hoặc bên cao bên thấp
- Bề mặt hoặc 2 bên sườn ray bị mòn.
- Cầu trục không thể di chuyển được.
- Cầu trục di chuyển bị bập bênh.
- Cầu trục bị xô về một phía.
- Một bên bánh xe cầu trục bị nhảy khỏi đường ray
Nên mua ray cho thiết bị nâng từ các đơn vị sản xuất hoặc nhà cung cấp ray uy tín. Việc lắp đặt ray cầu trục nên được thực hiện bởi một nhà sản xuất cầu trục chuyên nghiệp.
Trong trường nhà đầu tư tự gia công phần kết cấu thép và thực hiện lắp ray thì cần liên hệ chúng tôi theo số hotline 0913526517 để được cung cấp tài liệu, hướng dẫn quy trình lắp đặt hoàn thiện.
Các phương án lắp đặt ray cầu trục:
Trước khi lắp đặt ray cầu trục cần làm rõ dầm đỡ ray là loại nào? Dầm thép hay dầm bê tông đúc sẵn hay móng bê tông. Nếu là dầm bê tông hoặc móng bê tông thì cần phải bố trí bu lông chờ sẵn trong quá trình đổ bê tông dầm.
Cố định ray bằng kẹp thép
Các bước lắp đặt ray bao gồm:
- Xác định tâm ray, cao độ ray, đặt ray và căn chỉnh.
- Đặt kẹp ray và căn chỉnh, bắt bu lông cố định dầm và kẹp ray, xiết bu lông.
- Lỗ bắt bu lông trên kẹp ray thường là lỗ ovan để có thể điều chỉnh vị trí kẹp theo phương ngang.
Cố định bằng bu lông neo ray.
Khoan lỗ trên thân của ray cầu trục và cố định bằng bu lông neo ray.
Phương pháp lắp đặt này chỉ được sử dụng cho dầm thép có bề rộng của tấm đỉnh không được quá 400mm. Bu lông neo ray thường có đường kính từ 20mm đến 50mm. Bề rộng tấm đỉnh quá lớn sẽ làm giảm khả năng chịu lực của bu lông neo ray.
Cố định ray bằng mối hàn
Ray được hàn lên dầm đỡ phải sử dụng vật liệu hàn phù hợp, hàn đứt đoạn để tránh biến dạng ray. Ray khi được hàn trực tiếp lên dầm đỡ sẽ trở thành một kết cấu không thể tháo rời. Để tránh ray có khe hở với dầm, bị vồng, lồi, khi hàn phải sử dụng lực ép chặt xuống mặt dầm.
Ứng suất phần đường ray có thể được tính vào ứng suất của dầm đỡ, tăng cường khả năng chịu lực của dầm, phương pháp lắp đặt ray này được sử dụng cho đường ray xe con có mức làm việc dưới M5.
Phương pháp hàn cố định ray vào dầm có rủi ro bên cao bên thấp làm cầu trục khi di chuyển có xu hướng xiên về phía ray thấp làm cầu trục bị xô ngang. Do đó phương pháp lắp đặt này thường không được khuyến khích dù chi phí thấp.
Yêu cầu chất lượng sau khi lắp đặt ray cầu trục
- Đường chạy thẳng, không bị cong, võng, lồi lõm hoặc xiên.
- Khoan các lỗ trên đường ray bằng máy khoan, không cắt khoét bằng nhiệt để tránh biến dạng đường ray.
- Vị trí khoan lỗ bắt bu lông cần đúng theo thiết kế, sai lệch không quá 2mm.
- Bề mặt mối nối ray phải phẳng, không tạo bậc.
- Tâm ray và tâm dầm đỡ sau lắp đặt phải trùng nhau và không được vượt quá 10mm
- Khoảng cách tâm 2 ray phải bằng với khẩu độ cầu trục và không vượt quá 5mm với cầu trục thông thường và không vượt quá 3mm đối với cầu trục treo.
- Độ nghiêng dọc của bề mặt ray không lớn hơn 1/1000. Cách 2 mét phải đo một lần, chênh lệch độ cao giữa các điểm đo không vượt quá 10mm
- Cao độ của điểm chuẩn trên bề mặt của ray phải đúng với cao độ thiết kế của cầu trục và không được vượt quá 10mm với cầu trục thông thường và không vượt quá 5mm với cầu trục treo